Kỹ thuật thiết kế và xây dựng nhà yến
Khảo sát chọn vị trí xây dựng nhà nuôi chim yến
Việc xác định vị trí và khu vực để nuôi chim yến phải được khảo sát, lựa chọn cẩn thận. Vị trí nhà yến ảnh hưởng tới tốc độ phát triển quần đàn chim yến của nhà yến và năng suất chất lượng của tổ yến, hiệu quả đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến. Do đó, để chọn được vị trí tốt nhất cần đánh giá các tiêu chí về sự phân bố của chim yến, nguồn thức ăn cho chim yến, điều kiện khí hậu, môi trường xung quanh… Sau đó đối chiếu với các thông số môi trường, khí hậu tiêu chuẩn để đánh giá xem xét có thích hợp hay không, từ đó quyết định vị trí xây dựng nhà nuôi chim yến.
Các thông số môi trường khí hậu cần chú ý bao gồm:
– Nền nhiệt độ trung bình của khu vực;
– Độ ẩm trung bình khu vực;
– Lượng mưa trung bình hàng năm.
Ghi chú: Các thông số môi trường khí hậu nếu không có dữ liệu ở cấp huyện, có thể lấy dữ liệu cấp tỉnh làm căn cứ. Phân bố của chim yến: Chim yến phân bố theo khu vực sinh sống và vùng kiếm ăn của chúng (cánh đồng sản xuất nông nghiệp, rừng trồng, rừng tự nhiên, mặt nước như sông, suối, ao, hồ,…). Việc chọn vị trí xây dựng cơ sở nuôi chim yến cần dựa trên đặc điểm di chuyển tìm mồi của chim từ nơi cư trú đến nơi bắt mồi, thông thường dùng âm thanh bầy đàn để xác định sự phân bố của chim có mặt tại nơi cần khảo sát. Khoảng thời gian lý tưởng để kiểm tra là 5h30 – 9h30 và 16h00 – 18h00.
Đây là bước khảo sát ban đầu mang tính chất vĩ mô (khảo sát vùng nuôi chim yến). Sau khi xác định được vùng nuôi chim yến khả thi thì việc xác định vị trí xây dựng nhà nuôi chim yến phải căn cứ vào một số tiêu chí sau:
– Thuận lợi về giao thông đi lại, vận chuyển vật tư;
– Thuận lợi cho việc sử dụng các nguồn năng lượng như điện, nước;
– Chọn những vị trí đất có cường độ chịu nén cao để giảm chi phí xây dựng phần móng;
– Gần nguồn cung cấp vật tư xây dựng;
– Vị trí ít bị ảnh hưởng lũ, lụt;
– Vị trí nhà yến ít bị ảnh hưởng của các tác động bên ngoài như: tiếng ồn, trạm phát sóng vô tuyến, nhiều vật cản đường chim bay, chấn động ngôi nhà do xe chạy hoặc tàu chạy, ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm mùi, khu vực có gió mạnh.
Công tác khảo sát chọn vị trí phải làm lặp lại nhiều lần ở nhiều vị trí, khu vực khác nhau trong nhiều thời điểm khác nhau, sau đó thống kê tổng kết, đánh giá và lựa chọn một hoặc hai vị trí thích hợp nhất trong số các vị trí đã khảo sát để quyết định đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến.
Ví dụ: Kế hoạch khảo sát ba vị trí A, B, C:
– Nội dung khảo sát:
+ Điều kiện khí hậu: nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa hàng năm.
+ Môi trường sống phù hợp điều kiện sinh sản, bắt mồi của chim yến (thảm thực vật, mặt nước), các tác động ảnh hưởng môi trường (tiếng động, khói bụi, hóa chất, chất thải công nghiệp,…).
+ Sự phân bố của chim yến, có thấy chim yến đi ăn tại khu vực khảo sát khi phát âm thanh dẫn dụ.
– Thời gian khảo sát: Khoảng thời gian lý tưởng để kiểm tra là 5h30 đến 9h30 và 16h00 đến 18h00 trong ngày.
– Số lần khảo sát: Tốt nhất cần khảo sát nhiều lần chia ra nhiều ngày.
Sau khi khảo sát ghi lại các số liệu về điều kiện khí hậu, môi trường sống, sự phân bố của chim yến, mật độ chim xuất hiện theo từng lần khảo sát, từ đó có thể phân tích đánh giá chọn ra vị trí ưu điểm nhất để quyết định đầu tư.
Chọn mô hình nuôi chim yến
Sau khi chọn được vị trí xây dựng cơ sở nuôi chim yến phù hợp, việc thiết kế mô hình nuôi yến phải dựa trên kết quả khảo sát địa chất khu vực, điều kiện hạ tầng kỹ thuật (về giao thông, nguồn cung cấp điện, nước,…) và yêu cầu kỹ thuật vận hành cơ sở nuôi yến mà chúng ta lựa chọn chủng loại vật liệu phù hợp đạt yêu cầu, hiệu quả kinh tế để triển khai xây dựng.
Các tiêu chí cơ bản lựa chọn mô hình nuôi chim yến để thiết kế:
– Đảm bảo các điều kiện tốt nhất về sự sinh sản, phát triển bầy đàn chim yến như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ thoáng khí,…
– Có chi phí đầu tư thấp, ít tốn kém với điều kiện địa chất tại vị trí xây dựng.
– Tuổi thọ công trình đảm bảo đủ dài để đàn yến sinh sản phát triển cho sản lượng cao và hiệu quả, thời gian tối thiểu 30 năm.
Nhà yến được xây dựng thành nhiều tầng, chiều cao mỗi tầng 3,5 ÷ 4,5 m tùy theo điều kiện môi trường khí hậu ở từng vùng. Ở những vùng nhiệt độ cao thì chiều cao tầng 3,6 ÷ 4,5 m để tạo sự thông gió và thoáng mát. Ở những vùng biên độ nhiệt thấp, chiều cao tầng 3,5 ÷ 3.9 m.
Mẫu nhà yến bình thường phải có sân lượn để chim bay lượn vòng tròn, ở nơi yên tĩnh, tránh các cản trở có thể ngăn chặn đường bay của chim. Kích thước tối thiểu cho sân bay lượn là 4 x 4 m, càng rộng càng tốt. Trong nhà yến với hệ thống nhiều phòng, phải có phòng lượn (phòng cho chim bay lượn vòng tròn) vì chim khi bay vào nhà thường thích bay lượn một lúc trong phòng dạo trước khi vào phòng trú ngụ. Kích thước phòng tối thiểu là 4 x 4 m. Giữa các tầng là nơi thuận lợi bay lượn di chuyển của chim.
Căn cứ mục tiêu đầu tư, diện tích, vị trí xây dựng chúng ta có nhiều phương án chọn mô hình nhà nuôi chim yến cho phù hợp.
a. Mô hình nhà yến chuyên dụng:
Là những ngôi nhà yến chỉ mang tính chất đầu tư phục vụ cho việc nuôi chim yến và lấy tổ, ngoài ra không còn mục tiêu nào khác. Thường những ngôi nhà này là hình chữ nhật hoặc hình vuông, khoảng 2 đến 3 tầng, diện tích nền trên 100 m2, sử dụng vật liệu thô mang tính chất đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nhà yến và bền vững theo thời gian đồng thời tiết kiệm chi phí.
b. Mô hình nhà yến kết hợp với nhà ở:
Đây là mô hình đầu tư nhà yến mang tính chất tiết kiệm chi phí đầu tư do tận dụng được các tầng trên của ngôi nhà ở có sẵn để cải tạo lại thành nhà nuôi chim yến hoặc tận dụng sức chịu tải thừa hiện có của ngôi nhà như phần móng, phần trụ, dầm sàn mà thiết kế thêm các tầng phía trên để nuôi chim yến. Trường hợp này nên chọn một số vật liệu nhẹ để thiết kế cho ngôi nhà yến nhằm giảm tải công trình, an toàn về kết cấu chịu lực, đảm bảo về điều kiện sinh sống của chim yến.
c. Mô hình núi yến nhân tạo:
Mô hình núi nhân tạo được thực hiện tại các khu du lịch, chưa được phổ biến nhiều. Hiện nay một số nhà yến ở miền Nam sử dụng mô hình này được dùng để thiết kế xây dựng núi nhân tạo nuôi chim yến. Nguyên tắc thiết kế và thi công của mô hình này là xây dựng bộ khung trụ, dầm, sàn rồi phủ lớp vỏ lưới thép, sau đó phun hỗn hợp vữa xi măng và chất phụ gia bao bọc bên ngoài để cách nhiệt, đảm bảo độ ẩm tốt, thường dùng hai lớp vỏ bao ngoài. Ưu điểm của mô hình là có kiến trúc đẹp, phù hợp để xây dựng ở những khu du lịch sinh thái. Nhược điểm mô hình này là tuổi thọ không cao, chi phí đầu tư cao, dễ thấm nước mưa, kết cấu phức tạp ảnh hưởng đến vòng bay lượn của chim.
d. Mô hình nhà yến kết hợp nhà ở sân vườn:
Đây là loại hình đầu tư nhà yến đơn thuần kết hợp với nhà ở dân dụng. Thường áp dụng ở các khu biệt thự vườn.
đ. Mô hình nhà nuôi chim yến kết hợp ấp nở nhân tạo và nhà lồng:
Đây là mô hình nuôi chim yến bền vững và thành công nhất hiện nay. Ngoài việc nuôi chim yến để lấy tổ, mô hình này còn gia tăng bầy đàn cho nhà yến và vùng nuôi chim yến, đáp ứng việc nghiên cứu khoa học về lĩnh vực nuôi chim yến tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai. Để xây dựng được mô hình trên, nhà đầu tư phải xây dựng kết hợp một số hạng mục như sau: nhà nuôi chim yến đơn thuần, nhà ấp nuôi nhân tạo và nhà lồng tạo môi trường sống tự nhiên cho chim yến.
e. Mô hình làng nghề nuôi chim yến:
Việc nuôi chim yến theo vùng, làng nghề là mục tiêu để phát triển ngành nghề nuôi chim yến trong tương lai. Đây là mô hình nuôi chim yến mang lại nhiều hiệu quả cho nhà đầu tư cũng như đáp ứng các nhu cầu phát triển xã hội, như:
– Giảm thiểu rủi ro cho các hộ dân nuôi chim yến vì các vùng đất được chọn để quy hoạch được nghiên cứu kỹ về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, vùng thức ăn bền vững, tổng lượng bầy đàn hiện có…
– Tạo tính chuyên nghiệp trong ngành nghề nuôi chim yến.
– Việc quy hoạch các vùng nuôi, các làng nghề nuôi chim yến bền vững, khoa học và đảm bảo quy hoạch phát triển tổng thể về kinh tế xã hội. Kiểm soát được mật độ xây dựng nhà yến trong vùng.
– Thuận lợi cho việc tổ chức quản lý đối với các ngành chức năng.
– Kiểm soát được vấn đề môi trường vùng nuôi chim yến.
– Thống nhất thiết bị công nghệ, kiểu dáng, quy mô công trình nuôi chim yến phù hợp nhất cho từng vùng nuôi chim yến.
– Áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách đồng bộ.
– Tiết kiệm chi phí đầu tư cũng như vận hành sau này như: giảm chi phí giá trị đất, chi phí thiết kế và chi phí thủ tục đầu tư, chi phí khảo sát, chi phí tư vấn và thiết bị công nghệ, chi phí quản lý vận hành…
Liên hệ báo giá:
Thiết kế thi công nhà yến toàn quốc
Địa chỉ: Khu Phố 1, P. Xuân An, Tp. Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 0916953353 (MR.LONG)
Website:https://thietkethicongnhayen.com